BÀI TẬP TỰ PHÂN TÍCH

Cho các bài toán quản lý sau, lần lượt thực hiện các yêu cầu sau cho từng bài toán:

  • Xác định các thực thể và phân loại thực thể,
  • Xác định các thuộc tính tương ứng cho từng thực thể và phân loại thuộc tính,
  • Xác định các kiểu liên kết, phân loại các liên kết và lực lượng tham gia liên kết,
  • Vẽ mô hình ER cuối cùng của bài toán.

Bài số 1: Khảo sát hoạt động của một cửa hàng bán sản phẩm, ta thu được các thông tin quản lý sau:

Mỗi khách hàng thành viên được lưu trữ các thông tin gồm mã khách hàng, họ tên, địa chỉ, điện thoại, doanh số (là tổng trị giá các hoá đơn mà khách hàng đó đã mua). Mỗi khách hàng được phân biệt nhau bởi mã số khách hàng.

Mỗi nhân viên của cửa hàng được quản lý các thông tin gồm mã nhân viên, họ tên, ngày sinh, điện thoại, lương. Mỗi nhân viên được phân biệt nhau bởi mã số nhân viên. Mỗi nhân viên có thể có nhiều số điện thoại.

Mỗi sản phẩm có mã sản phẩm, tên sản phẩm, đơn vị tính, hãng sản xuất, giá và thuế của sản phẩm đó. Trong đó thuế phải nộp theo quy định nhà nước là 10%.

Mỗi lần khách hàng mua hàng sẽ có một hoá đơn. Mỗi hoá đơn có các thông tin gồm số hoá đơn, ngày lập hoá đơn, tổng trị giá của hoá đơn đó. Mỗi hoá đơn phải do nhân viên bán hàng của cửa hàng lập và có thể bán nhiều sản phẩm cùng lúc.

Mỗi hoá đơn có thể mua nhiều mặt hàng, được kê chi tiết trong bảng chi tiết hoá đơn trong đó có ghi rõ số lượng và thành tiền cụ thể của từng mặt hàng.

Bài số 2: Khảo sát hệ thống quản lý lịch dạy của các giáo viên và lịch học của các lớp trong một trường đại học thu được thông tin cần quản lý như sau:

Mỗi giáo viên có thông tin họ và tên giáo viên, số điện thoại, địa chỉ, trình độ, hệ số lương, lương, ngoại ngữ. Mỗi giáo viên chỉ thuộc sự quản lý hành chính của một khoa nào đó và được phân biệt với nhau thông qua mã giáo viên. Một giáo viên có thể biết nhiều ngoại ngữ.

Trong trường có nhiều khoa khác nhau. Mỗi khoa có một mã khoa, tên khoa, số điện thoại, địa chỉ khoa. Các khoa có mã và tên duy nhất.

Mỗi môn học có một mã môn học, tên môn học, số đơn vị học trình và học kỳ.

Mỗi lớp có một mã lớp, tên lớp, sĩ số lớp. Mỗi lớp có thể học nhiều môn nhưng chỉ thuộc sự quản lý hành chính của một khoa nào đó. Mỗi lớp học được phân công học tại một phòng nào đó, nhưng trong một phòng có thể có nhiều lớp học ở các ca khác nhau.

Các phòng học có thông tin về số phòng, chức năng của phòng (lý thuyết, thực hành hay thí nghiệm) và khả năng chứa (số sinh viên tối đa học trong phòng).

Ứng với mỗi lớp thì mỗi môn học chỉ được phân cho một giáo viên. Một giáo viên có thể dạy nhiều môn học và dạy nhiều lớp. Tuỳ theo từng lớp và từng môn học mà mỗi lớp sẽ học ở các phòng khác nhau.

Bài số 3: Khảo sát hệ thông hệ thống tiêu thụ và sản xuất dược phẩm, người ta thu được các thông tin sau:

Với mỗi bệnh nhân cần quản lý tên bệnh nhân, tuổi bệnh nhân, địa chỉ. Mỗi bệnh nhân được phân biệt với nhau bởi mã bệnh nhân.

Với mỗi bác sỹ cần phải quản lý các thông tin: tên bác sỹ, chuyên ngành, ngày bắt đầu đi làm, số năm công tác, đơn vị công tác. Các bác sỹ được phân biệt với nhau thông qua mã bác sỹ.

Với mỗi công ty dược cung cấp thuốc bao gồm các thông tin: mã công ty, tên công ty, địa chỉ, số điện thoại. Mỗi công ty có nhiều đường điện thoại khác nhau để khách hàng liên lạc.

Với mỗi loại thuốc phải lưu các thông tin về tên thương mại (tên thuốc bán trên thị trường), thành phần hoá học (công thức) của thuốc, công dụng của thuốc, liều dùng. Thuốc có nhiều liều dùng khác nhau tùy theo đối tượng.  Mỗi loại thuốc được bán bởi một công ty dược phẩm và được xác nhận duy nhất qua tên thương mại của thuốc để phân biệt với các sản phẩm khác của công ty.

Với mỗi hiệu thuốc phải có tên hiệu thuốc, địa chỉ, số điện thoại, chủ hiệu thuốc. Mỗi hiệu thuốc chuyên bán một số loại thuốc và giá mỗi loại thuốc là khác nhau cho cùng một tên thuốc với các hiệu thuốc khác nhau.

Các bác sỹ kê đơn thuốc cho bệnh nhân. Một bác sỹ có thể kê đơn cho một số bệnh nhân và một bệnh nhân cũng có thể có được đơn thuốc từ nhiều bác sỹ. Mỗi đơn thuốc đều có ngày kê đơn, tên một số loại thuốc và số lượng kèm theo.

Công ty dược phẩm có kí kết hợp đồng dài hạn với các hiệu thuốc. Một công ty có thể kí hợp đồng với nhiều hiệu thuốc và ngược lại, một hiệu thuốc cũng có thể kí hợp đồng với nhiều công ty. Mỗi hợp đồng phải có số hợp đồng, ngày bắt đầu hợp đồng, ngày kết thúc hợp đồng, nội dung hợp đồng.

Bài số 4: Khảo sát hệ thông hệ quản lý các đề tài tốt nghiệp tại trường đại học, người ta thu được các thông tin sau:

Mỗi SV sau năm 4 sẽ làm đề tài Tốt nghiệp. Mỗi đề tài bao gồm Tên DT, giáo viên hướng dẫn, thời gian bắt đầu, kết thúc, thuộc khoa nào, do giáo viên nào phản biện. Các đề tài được quản lý bởi mã đề tài. Một đề tài do duy nhất một giáo viên hướng dẫn nhưng có thể có nhiều giáo viên phản biện.

Khoa sẽ thành lập các hội đồng khoa học để đánh giá đề tài tốt nghiệp, mỗi Hội đồng khi thành lập gồm: Chủ tịch, thư kí hội đồng, ngày bảo vệ và hội đồng được bảo vệ tại địa chỉ (phòng) cụ thể. Trong một hội đồng có duy nhất một chủ tịch và có thể có từ hai đến ba thư ký hội đồng. Các hội đồng phân biệt thông qua mã hội đồng. Mỗi đề tài tốt nghiệp sẽ bảo vệ tại một hội đồng xác định, điểm đề tài là trung bình cộng của điểm Chủ tịch, GV phản biện, GV hướng dẫn. Giáo viên cho điểm theo từng sinh viên riêng mặc dù các sinh viên có thể làm chung đề tài.

Trong đợt bảo vệ có thể có nhiều hội đồng, 1 GV có thể hướng dẫn nhiều đề tài, hay phản biện nhiều đề tài. Chủ tịch HĐ có thể là giáo viên. Mỗi giáo viên cần thông tin: Tên, địa chỉ , SĐT, học vị, chuyên ngành. Mỗi giáo viên được xác định thông qua mã giáo viên.

Mỗi đề tài có thể do 1, 2, 3 sinh viên cùng thực hiện. SV có điểm TB<5 sẽ phải bảo vệ lại với khóa sau và chỉ được bảo vệ tối đa 2 lần.

Bài số 5: Khảo sát hệ thống quản lý “trường học”, thu được các thông tin sau:

Trường được chia thành các trường con, như: Trường Khoa học tự nhiên, Trường khoa học xã hội, Trường công nghệ, …. Mỗi trường có một hiệu trưởng quản lý, mỗi hiệu trưởng quản lý một trường. Các trường được phân biệt với nhau thông qua mã trường và cần xác định các thông tin như địa chỉ, năm thành lập, email và điện thoại liên lạc. Với mỗi trường có nhiều đường điện thoại sử dụng được.

Mỗi trường có nhiều khoa khác nhau. Mỗi khoa chỉ thuộc về một trường. Thông tin về Khoa gồm mã khoa, tên khoa, địa chỉ, số điện thoại.

Mỗi khoa cung cấp nhiều môn học, mỗi môn học gồm có tên môn học, mã số, số đơn vị học trình, trình độ.

Mỗi môn học có thể có nhiều học phần. Mỗi học phần được lưu giữ bằng các thông tin: mã học phần, tên môn học, tên giáo viên dạy, học kỳ. Mỗi sinh viên phải học nhiều học phân. Mỗi giáo viên có thể dạy nhiều nhất là 4 học phần và cũng có thể không dạy học phần nào.

Mỗi khoa có nhiều giáo viên làm việc, nhưng mỗi giáo viên chỉ làm việc cho một khoa. Mỗi một khoa có một chủ nhiệm khoa, đó là một giáo viên.

Mỗi một khoa có nhiều sinh viên, mỗi sinh viên chỉ thuộc về một khoa. Thông tin về mỗi sinh viên gồm: mã sinh viên, họ tên, địa chỉ, ngày sinh, giới tính, lớp, tên khoa và chế độ đào tạo.

Sau mỗi học kỳ sẽ có một danh sách điểm để phân loại, nó gồm các thông tin: mã sinh viên, mã học phần, điểm bằng chữ, điểm bằng số.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *